Lời khuyên cho kế toán khi tìm công việc thực tập

    Lượt xem: 645

Lời khuyên cho kế toán khi tìm công việc thực tập

Thực tập là quãng thời gian vô cùng quan trọng của SV để bước đầu hòa nhập môi trường công việc, tích lũy dần kinh nghiệm cũng như hoàn thành học phần thực tập của mình. Thế nhưng nhiều SV vẫn còn rất nhiều bỡ ngỡ khi tìm cho mình một công việc phù hợp.

1. Hiểu rõ bản thân

Để tìm được nơi thực tập thích hợp, trước tiên phải hiểu rõ bản thân, về trình độ chuyên môn, sở thích, sức khỏe và kế hoạch thực tập của mình. Tìm được một công việc thực tập phù hợp với sở thích bản thân xem như bạn đã thành công năm mươi phần trăm vì sự hứng thú sẽ đem lại hiệu quả tuyệt vời cho công việc. Bạn sẽ không bao giờ ngủ dậy trễ và sẽ luôn háo hức đến công ty để thực hiện công việc của mình.

2. Tìm việc sớm trước thời gian thực tập

Không ai ràng buộc bạn đến thời gian thực tập quy định của nhà trường vào học kỳ cuối cùng bạn mới được tìm công việc thực tập. Bạn có thể chủ động tìm một công việc thực tập ngay vào năm thứ ba hay bất cứ lúc nào bạn cảm thấy mình đủ khả năng bước ra doanh nghiệp. Hãy viết một CV thật ấn tượng, hướng đến người đọc nhưng vẫn thể hiện được mong muốn và khẳng định khả năng của mình. Nhà tuyển dụng sẽ cho bạn một cơ hội và lúc ấy hãy nắm bắt mà thể hiện mình nhé.

3. Đừng chê những tên tuổi nhỏ

Tâm lý chung của các bạn SV khi ra trường là mong muốn được làm việc cho một công ty có tên tuổi, nên khi tìm việc thực tập, các bạn cũng nhắm nhiều đến những công ty lớn. Nhiều thực tập viên than thở rằng họ quá nhàn rỗi trong thời gian thực tập. Đó là do tại những công ty lớn, mức độ chuyên môn hóa trong công việc rất cao, mỗi người đều có việc của mình và đã được phân chia rất rõ ràng. Vì thế, bạn thường bị thừa trong guồng máy làm việc ấy. Ở những công ty nhỏ hơn, bạn sẽ dễ dàng chia sẻ công việc với mọi người và sẽ có nhiều cơ hội cọ sát với thực tế hơn.

4. Nguồn việc thực tập – nhiều hơn bạn nghĩ

Rất nhiều SV gặp khó khăn trong việc tìm ra công ty tuyển dụng SV thực tập. Đó là do họ chỉ tìm ở những công ty đang có chương trình tuyển dụng SV thực tập. Những công ty này thường là những công ty lớn, có tên tuổi, tuy tuyển nhiều nhưng điều kiện và chương trình của họ cũng rất khắt khe. Bạn có thể gửi đơn, email hoặc thậm chí điện thoại thẳng đến những công ty khác, thăm dò tình hình nhân sự của họ và đề nghị họ suy nghĩ đến vị trí thực tập sinh của bạn. Sự táo bạo và quyết đoán của bạn sẽ khiến họ phải suy nghĩ đấy. Bạn hãy đọc trên báo đài, quảng cáo những công ty mới thành lập hay đang cơ cấu lại nhân sự, xác suất để bạn tìm được vị trí thực tập tại những công ty ấy là khá cao đấy.

5. Hiểu rõ công ty xin thực tập

Bạn cần tìm hiểu nhiều điều xung quanh công ty bạn đang xin thực tập và thể hiện điều đó lên đơn xin việc hay buổi phỏng vấn. Nếu người phỏng vấn nhận ra bạn biết tên anh ấy từ trước, hay biết công ty đã ra đời và hoạt động được bao lâu… hẳn họ sẽ đánh giá bạn rất quan tâm đến công ty và mong muốn được nhận vào vị trí này. Đó sẽ là một điểm cộng không nhỏ trong mắt nhà tuyển dụng.

6. Không chỉ có SV mới xin việc thực tập

Bạn tốt nghiệp cử nhân quản trị tài chính và đã làm việc cho phòng tài chính của một công ty chuyên kinh doanh bất động sản được 1 năm. Nay bạn lại hứng thú với ngành ngân hàng nhưng chưa đủ kinh nghiệm để làm việc chính thức cho một ngân hàng nào đó. Hãy nộp đơn vào vị trí thực tập viên của một ngân hàng nào đó. Nhà tuyển dụng sẽ không bỏ rơi một con người đã có kinh nghiệm trong ngành tài chính, nay muốn đóng góp và hoạt động trong ngân hàng của họ.

7. Chủ động tận dụng cơ hội và học hỏi

Nhìn chung, thực tập sinh là những người trẻ và ít kinh nghiệm. Bù lại họ lại có nhiệt huyết làm việc và khát khao thể hiện mình. Nếu bạn đã được nhận vào vị trí thực tập viên, hãy luôn chủ động tận dụng mọi cơ hội để học hỏi, chủ động nhận việc để cọ sát với thực tế, đặt nhiều câu hỏi, và sau này bạn sẽ thành công nhanh hơn trong sự nghiệp trên nền tảng những viên gạch đầu tiên chính là kinh nghiệm từ vị trí thực tập của bạn.

Nguồn: Internet

 

Comments

comments